TIN KHOA HỌC . Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang có một hệ thống kho chứa với tổng dung lượng khoảng trên 800.000 tấn, so với nhu cầu tồn trữ của lượng lúa hàng năm khoảng 10 triệu tấn. Theo TS. Nguyễn Ngọc Đệ, Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Đại học Cần Thơ, thì tổn thất sau thu hoạch lúa của ĐBSCL khoảng 13,7%. Trong đó, làm sạch và làm khô chiếm 4,2%, bảo quản chiếm 2,6%, xay xát chế biến chiếm 3%, còn lại là thu hoạch và vận chuyển. Nếu quy đổi sự mất mát chất lượng ra số lượng thì tổng số mất mát sẽ còn lớn hơn rất nhiều, ước tính khoảng 28%. Trong khi đó, tổn thất sau thu hoạch ở Ấn Độ chỉ khoảng 6% và ở Nhật Bản chỉ từ 3,9 - 5,6%.
Vài năm trở lại đây đã có nhiều phương tiện tồn trữ được xây dựng. Các kho chứa này có kết cấu bằng thép, dạng hình vuông hoặc chữ nhật dùng để chứa xá (dạng hạt rời) lúa gạo; hoặc các nhà kho lớn có nền bê tông, mái che đơn giản, lúa khi đưa vào được đựng trong các bao tải và được chất chồng lên cao theo từng cụm trong kho. Cả hai loại kho này thường không đạt yêu cầu về yếu tố thiết bị phụ trợ cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng hạt trong quá trình bảo quản, nhất là bảo quản trong thời gian dài. Vì vậy, chất lượng bảo quản thấp và không thể bảo quản quá 3 tháng trong điều kiện khí hậu nóng và ẩm của ĐBSCL. Trước đây, vào những năm 1970 - 1980 ở ĐBSCL đã trang bị các cụm silo dùng để bảo quản lúa, đơn cử như cụm silo ở Cao Lãnh (48.000 tấn), Trà Nóc (10.000 tấn) và cụm silo của Sài Gòn - Satake (12.800 tấn) ở Bình Chánh, TP.HCM. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân kỹ thuật không phù hợp và thiết bị không đồng bộ nên hiện nay hầu hết các cụm silo này chưa được sử dụng đúng công năng của nó hoặc để trống.
Theo TS. Phạm Văn Tấn, phó giám đốc Phân viện cơ điện nông nghiệp & công nghệ sau thu hoạch. Với các nhà kho, do mục đích không để chứa lúa mà để chứa gạo nên các kho chứa dạng này thường được xây dựng tại các cơ sở xát trắng và đánh bóng gạo thành phẩm cuối cùng. Thực tế là hiện vẫn đang duy trì một “quy trình ngược” bất hợp lý của các công đoạn sau thu hoạch, đó là: thu hoạch - làm khô sơ bộ - xát lứt lúa với độ ẩm cao ở một địa điểm - vận chuyển (và chứa tạm từ 1 - 7 ngày) - xát trắng - lau bóng ở một địa điểm khác - sấy gạo đến độ ẩm 14% - bảo quản tạm gạo trắng (dưới 3 tháng) chờ tiêu thụ. Ngoài những nhược điểm gây tổn thất sau thu hoạch lúa gạo cả về chất lẫn về lượng do làm khô sơ bộ cho lúa không đạt yêu cầu và xay xát lúa tại độ ẩm cao; do quá trình rơi vãi, do chuột và sâu bọ; cũng như thay vì sấy và bảo quản lúa (dễ hơn) bằng những công nghệ tốt hơn (như silo) thì quy trình này lại sấy và bảo quản gạo (khó hơn nhiều) nhưng lại sử dụng những phương tiện kỹ thuật thô sơ hơn. Hệ quả là gạo xuất khẩu của Việt Nam có chất lượng thấp, không bảo quản được lâu và giá bán cũng sẽ thấp hơn. Bên cạnh đó, lượng cám gạo sinh ra (chiếm từ 8 - 10% khối lượng lúa) từ quá trình xay xát có độ ẩm cao của “quy trình ngược” cũng có chất lượng rất thấp, bị biến màu, biến mùi do lượng dầu trong cám bị oxy hóa nghiêm trọng trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm cao. Cám gạo từ quy trình này khó có thể được sử dụng để làm thức ăn tốt cho chăn nuôi. Ngoài ra, “quy trình ngược” này cũng không giúp để tận dụng lượng trấu sinh ra (chiếm 20% khối lượng lúa) trong xay xát lúa mà phải sử dụng các dạng nhiên liệu khác như than đá hay dầu DO với giá cao hơn để sấy gạo do các địa điểm xát lứt thường được tiến hành tách rời với địa điểm xát trắng và sấy gạo.
Giải pháp hữu hiệu để giảm tổn thất sau thu hoạch, nhằm nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam và đời sống của người trồng lúa ĐBSCL là bên cạnh việc đầu tư nghiên cứu để lai tạo và chọn lọc ra những giống lúa thơm, cứng cây chống đổ ngã thì những đối tác phụ trách các công đoạn sau thu hoạch nên cố gắng thay đổi triệt để “quy trình ngược” hiện hành, đưa nó trở về một quy trình hợp lý, đầu tư nâng cấp công nghệ ở tất cả các khâu của quy trình này.
TS. Tấn còn đưa ra một số giải pháp đồng bộ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch lúa, cụ thể như: quy hoạch hệ thống thủy lợi phải đồng bộ với phát triển hệ thống giao thông nội đồng, gắn liền với giao thông nông thôn tạo điều kiện dễ dàng cho máy móc di chuyển đi lại; mở rộng kích thước lô thửa, san phẳng đồng ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho máy móc làm việc trên đồng; hỗ trợ công nghệ, tài chính để các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp (máy sấy, máy gặt đập liên hợp, silo) đầu tư nâng cấp công nghệ và mở rộng sản xuất, nhằm khuyến khích nông dân trang bị máy móc; mở các lớp huấn luyện về công nghệ và thiết bị sau thu hoạch cho nông dân, các nhóm dịch vụ cơ giới, các cơ sở xay xát chế biến gạo và khuyến nông viên các tỉnh; nâng cấp mạng lưới thông tin nông thôn, thông tin công nghệ và thông tin thị trường...
*Silo là một dạng kết cấu bằng thép (hoặc bê tông) có dạng hình chữ nhật, hình tròn thường được sử dụng để bảo quản dạng xá (dạng hạt rời) cho các loại hạt nông sản như lúa, bắp, lúa mì... Hiện nay, các cụm silo lúa hiện đại được trang bị hệ thống lấy mẫu để kiểm định chất lượng lúa đầu vào, thiết bị làm sạch và sấy khô lúa, hệ thống nạp lúa vào và tháo lúa ra bằng cơ giới. Bên cạnh đó, silo cũng được trang bị hệ thống theo dõi tự động nhiệt độ của lúa và hệ thống thông thoáng để làm mát hạt trong quá trình bảo quản. Nhờ vậy, chất lượng của lúa được bảo đảm trong nhiều tháng, đến 1 năm hoặc lâu hơn nữa nếu được xử lý xông trùng cho hạt trước khi được nạp vào hay xử lý định kỳ và hạn chế việc lúa bị hút ẩm trở lại sau khi được làm khô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét